8 nấc thang giúp bạn thoát khỏi tư duy nạn nhân
Nhiều người đang rơi vào tư duy nạn nhân mà không hề hay biết, thậm chí là cả các leader, mid-manager, đặc biệt là high level manager.
Một project bị trễ deadline và leader của team ngay lập tức cho rằng đó là do team khác không hợp tác. Một khách hàng phàn nàn về dịch vụ và mid-manager liền nghĩ rằng đó là lỗi của nhân viên vì đã không chú ý nghe bạn ấy hướng dẫn. Một sale manager không đạt số của quý này liền lập tức cho rằng CEO đã không nói rõ về kỳ vọng của mình,...
Bạn có thấy những tình huống trên quen thuộc không? Bạn đã bao giờ nghĩ mình là nạn nhân của một ai đó, một thế lực nào đó và không thể làm gì khác chưa?
MỘT BIỂU HIỆN CỦA FIXED MINDSET
Trong bài viết Viện cớ - Khi sự dễ chịu ngắn hạn mang đến hậu quả lâu dài, mình đã có nhắc đến fixed mindset (tư duy cố định) - khi bạn tin rằng bạn không thể làm gì để thay đổi hiện tại. Ngoài viện cớ, một biểu hiện của fixed mindset còn là suy nghĩ “mình là nạn nhân”.
Đây là một lối tư duy xem mình là nạn nhân của hoàn cảnh và không có khả năng kiểm soát những yếu tố bên ngoài (victim mindset). Và tất nhiên thì tư duy này cũng sẽ khiến bạn không thể phát triển.
Trong tiếng Anh có một cụm từ khá buồn cười để nói về tư duy này, đó là: “The dog ate my homework” - “Con chó ăn bài tập của mình rồi”, để nói về những cái cớ vụng về mà một người thường đưa ra khi họ muốn đổ lỗi cho ai đó.
Trong môi trường công sở, những cái cớ kiểu “The dog ate my homework” không hề xa lạ. Một vài ví dụ phổ biến mà chính mình đã bắt gặp là: Máy tính em đang update Windows, nên em chưa làm kịp; Mạng chậm quá, em không tải file được; Em lỡ tay xóa mất file rồi; Email đó hình như vào spam hay sao chứ em không có biết; Hình như server bị lỗi, em gửi email rồi mà nó không qua,... Hay thậm chí là: Em bị kẹt thang máy nên muộn họp… đến 15 phút.
BẠN ĐANG Ở ĐÂU TRÊN THANG TRÁCH NHIỆM?
Sketchplanation đã sử dụng hình ảnh cái thang để minh họa cho các cấp độ chịu trách nhiệm và đặt tên là Thang Trách nhiệm (Accountability Ladder). Thang Trách nhiệm gồm có hai phần được chia ra rõ ràng: nửa dưới là Tư duy nạn nhân (Victim Mindset) và nửa trên Tinh thần trách nhiệm (Accountability). Theo Thang Trách nhiệm thì tư duy nạn nhân gồm có 4 cấp bậc:
Awareness (Nhận thức): Thật là thiếu nhận thức. Đây là bậc thấp nhất, thể hiện trạng thái vô thức, bạn không nhận ra nhiệm vụ hoặc trách nhiệm.
Blame (Đổ lỗi): Bạn đổ lỗi cho người khác về vấn đề của mình.
Excuses (Biện minh): Bạn đưa ra lý do để biện minh cho việc không thực hiện nhiệm vụ.
Hope (Hy vọng): Bạn không chủ động giải quyết vấn đề mà chỉ hy vọng mọi thứ sẽ ổn.
Mình sẽ làm rõ 4 cấp bậc của tư duy nạn nhân bằng hai ví dụ dưới góc độ của nhân viên và quản lý. Hãy xem một bạn nhân viên không hoàn thành deadline và một line manager chưa chuẩn bị báo cáo đánh giá chiến lược sẽ nghĩ gì nếu họ có tư duy nạn nhân nha.
Tư duy nạn nhân có thể xuất hiện ở rất nhiều cấp bậc, tuy nhiên mình nhận thấy rằng, các bạn mid-manager cho đến high level manager thường sẽ vô thức rơi vào kiểu tư duy này trừ phi bạn phát triển được năng lực tự bắt lỗi bản thân thật tốt.
Dù đương nhiên là cấp manager sẽ có quyền lực cao hơn và có nhiều quyền quyết định hơn trong công việc, tuy nhiên mình hiểu rằng các bạn phải chịu áp lực rất lớn về kỳ vọng và trách nhiệm. Bạn phải chịu trách nhiệm cho hiệu suất của đội ngũ, đồng thời phải tuân theo chỉ thị từ cấp trên, bạn phải chịu áp lực từ kỳ vọng của cấp trên đến nhu cầu của nhân viên. Điều này tạo cảm giác mất kiểm soát, khiến các bạn dễ cảm thấy như nạn nhân của cả hai phía.
ĐI HẾT THANG TRÁCH NHIỆM SẼ ĐẾN ĐƯỢC TỰ DO
Rõ ràng là dù bạn là nhân viên hay manager thì tư duy nạn nhân cũng không giúp ích gì cho hiệu quả công việc. Bởi vì bạn sẽ không xác định được vấn đề, từ đó không tìm được giải pháp, bỏ lỡ cơ hội và cứ mãi trì trệ. Đương nhiên là, không có một người sếp nào có thể tin tưởng giao những dự án quan trọng cho một mid-manager không nhận thức rõ về công việc, hay viện cớ. Còn các thành viên trong nhóm thì không ai thích một người sếp tiêu cực, hoặc các bạn ấy cũng sẽ nhiễm lối suy nghĩ này của bạn luôn.
Do đó, tất cả chúng ta đều cần từng bước bước lên các bậc thang phía trên đại diện cho tinh thần trách nhiệm, gồm có:
Acknowledge Reality (Thừa nhận thực tế): Đây là bước đệm để bạn chuyển từ tư duy nạn nhân sang tư duy trách nhiệm.
Own It (Chịu trách nhiệm): Bạn nhận hoàn toàn trách nhiệm và cam kết xử lý nhiệm vụ.
Find a Solution (Tìm giải pháp): Bạn chủ động tìm cách giải quyết.
Make it Happen (Thực hiện): Bậc cao nhất, bạn thể hiện trách nhiệm và hành động ngay lập tức.
Cũng với hai ví dụ trên, nếu nhân viên và lãnh đạo chuyển từ tư duy nạn nhân sang tinh thần trách nhiệm thì họ sẽ có những phản ứng hoàn toàn khác.
Khi bạn đạt đến mức độ cao nhất của tinh thần trách nhiệm, bạn không còn bị trói buộc bởi nỗi sợ về việc thất bại hay bị chỉ trích nữa. Tại đây, bạn chỉ hướng đến phiên bản tốt hơn của mình. Sự tự do khi đạt đến cấp độ này không chỉ là tự do lựa chọn hành động mà không e ngại cái nhìn của người khác mà còn là sự tự do trong tư duy, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng, sáng tạo và hiệu quả hơn trong việc giải quyết vấn đề.
TƯ DUY CỐ ĐỊNH KHÔNG CỐ ĐỊNH
Tin vui là, tư duy cố định không cố định, và tư duy nạn nhân cũng thế. Bạn luôn có thể thay đổi bản thân và tiến bộ hơn trên hành trình của mình.
Trong quá trình coach, mình nhận ra nếu các bạn mid-manager làm việc trong các môi trường hỗn loạn, có nhiều thay đổi bất ngờ trong chiến lược, tài nguyên hạn chế, thiếu sự hỗ trợ từ cấp trên hoặc cấp dưới thì bạn sẽ rất dễ cảm thấy bất lực. Thêm vào đó, do văn hóa công ty mà một vài manager có thể có tư duy nạn nhân để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi phải đối mặt với tất cả những điều này thì bạn cũng hoàn toàn có thể thay đổi tư duy và phát triển. Bước đầu tiên và quan trọng nhất chắc có lẽ là nhận biết thực tế và nhận biết mình đang có tư duy nạn nhân. Đó là bước đầu tiên trên Thang Trách nhiệm, để sau đó bạn có thể từng bước tiến lên trên.
Đồng thời, nếu đôi khi bạn có các suy nghĩ “mình không làm được gì nữa” thì cũng không sao cả. Quan trọng là bạn nhận ra những suy nghĩ này và không để chúng kiểm soát hành động và quyết định của mình. Khi nhận thấy chúng, hãy dành sự cảm thông cho bản thân và sau đó là tìm cách dần dần thay đổi.
—
Bạn có bao giờ cảm thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh và không thể làm gì để thoát ra không?
Đừng chờ đợi sự thay đổi, bởi vì bạn có thể tạo ra nó cho bản thân và đội nhóm của mình.
Nếu bạn có trải nghiệm liên quan hay những góc nhìn khác về chủ đề này thì cho mình comment bên dưới nha!