Viện cớ - Khi sự dễ chịu ngắn hạn mang đến hậu quả lâu dài
Viện cớ là một cơ chế phòng vệ tự nhiên giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nó có thể khiến ta bỏ lỡ cơ hội học hỏi và phát triển.
Growth mindset – tư duy phát triển, chắc có lẽ là cụm từ được sử dụng rất nhiều trong những năm gần đây. Đây là một mô hình tư duy mà bất cứ ai cũng hướng tới, bất cứ công ty nào cũng muốn nhân viên mình có được. Mình hay nói vui là, nếu bây giờ chọn đại 10 bạn và hỏi: “Bạn ơi, bạn thấy bạn có fixed mindset hay growth mindset?”, thì tới 9 người rưỡi sẽ trả lời là growth mindset, còn nửa người còn lại sẽ hỏi: “Đó là cái gì vậy?”.
Tại vì sẽ không ai nghĩ mình có tư duy cố định (fixed mindset) cả.
Tuy nhiên, có một biểu hiện của fixed mindset rất thường xuất hiện trong công việc và cuộc sống hằng ngày mà mọi người không để ý, đó là viện cớ/biện hộ/đổ lỗi – make excuses.
Viện cớ thì liên quan gì đến tư duy cố định?
Theo định nghĩa của nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford, tư duy cố định tin rằng khả năng của họ là những đặc điểm cố định, không thể thay đổi. Khi đối mặt với thử thách hay khó khăn, những người có tư duy cố định có xu hướng viện cớ, đổ lỗi cho các yếu tố hoặc hoàn cảnh mà họ nghĩ là họ không tác động được.
Chẳng hạn, một bạn nhân viên thường nói mình “có tính hướng nội” mỗi khi bị khách hàng complain “tư vấn không nhiệt tình”, hay một bạn biện minh cho sự thiếu cẩn thận của mình bằng cách nói “em là người nhìn toàn cảnh, không chú ý tiểu tiết”.
Viện cớ có thể là một việc làm dễ dàng, nhưng nó lại mang đến rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cả sự phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần của ta. Việc né tránh sự thật tạo cảm giác an toàn giả tạo, từ đó khiến bạn không thể phản tư (self-reflect) và tự nhận thức (self-aware).
Dần dà, bạn sẽ không còn cảm thấy có gì đó “sai sai” khi biện minh nữa. Vì bạn cho rằng việc bạn “không thể” là điều hiển nhiên, bạn không tin rằng bạn có thể khác đi, có thể phát triển. Nó còn tạo cảm giác bất lực và tâm lý nạn nhân, bạn cảm thấy mình bị môi trường xung quanh chi phối, còn bạn thì không thể làm gì. Đây chính là suy nghĩ sẽ giam cầm bạn trong tư duy cố định.
Điều cản trở bạn nằm trong chính bạn
Mấy ngày qua, một bạn mid-manager làm việc với mình có gặp phải vấn đề sau. Bạn được giao một nhiệm vụ, nhưng bạn cảm thấy cấp dưới của bạn không quan tâm đến công việc bạn giao, dẫn đến công việc bị trì trệ và không hoàn thành tốt như mong đợi.
Mình chia sẻ với bạn rằng, mình đồng ý là có nhiều điều nằm ngoài khả năng của chúng ta, nhưng nếu bạn cứ nghĩ theo hướng “mấy bạn ở team A, team B là người thứ đang cản trở công việc của mình nè”, thì chắc chắn công việc sẽ không bao giờ hoàn thành.
Mình thường nói rằng: Stop making excuses, start executing – dịch vui là: Thực hiện, đừng bao biện. Vì thật sự bao biện không giúp được gì cả. Cũng giống như, khi mình lập công ty, nếu làm ăn thua lỗ, mình “giải thích” là do gọi vốn không được, thị trường khó, đối thủ giỏi quá,... thì cũng được thôi. Những lý do đó hoàn toàn đúng, nhưng mình vẫn lỗ, vẫn đóng cửa. (Nếu quan tâm đến khởi nghiệp, bạn có thể đọc bài viết Career Path cho Entrepreneur hoặc nghe cuộc trò chuyện của mình trong chương trình Behind That Chair của Emasake).
Thật ra, viện cớ là một cơ chế phòng vệ tự nhiên mà chúng ta dùng để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác tội lỗi hay thất vọng. Cơ chế tự bảo vệ này giúp bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta. Khi “thảy trái bóng” cho người khác, ta không còn phải chịu trách nhiệm về hành động và kết quả của mình. Việc này sẽ dần trở thành một vòng tròn tiêu cực, chúng ta cứ liên tục sử dụng các lý do để biện minh thay vì đối mặt và giải quyết vấn đề. Từ đó ta cứ mãi trì trệ và bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Nhận ra khi nào mình đang viện cớ hay đổ lỗi - making excuses
Mình hiểu cảm giác khó chịu khi gặp phải một vấn đề khó khăn, một dự án đình trệ, một bạn nhân viên không chú tâm, hay khi một mục tiêu cá nhân chưa đạt được. Khi đó, theo bản năng, mình sẽ nghĩ đến những lý do bên ngoài để “giải thích” cho việc mình không làm được điều gì đó.
Đó là điểm mà ta cần lưu ý. Chúng ta thường không nhận ra mình đang viện cớ mà nghĩ là mình chỉ đang “giải thích”. Tuy nhiên, cách bạn giải thích về một sự việc sẽ phản ánh rất nhiều về tư duy của bạn.
Đây là 3 câu hỏi bạn có thể hỏi bản thân mỗi khi thấy mình đang “giải thích”, để biết bạn có thật sự đang giải thích hay không.
Mình có đang sợ bị phán xét?
Mình nhận thấy, việc viện cớ thường xuất phát từ nỗi sợ bị phán xét. Trong công việc thì chúng ta sẽ càng dễ lo sợ hơn, và theo kinh nghiệm của mình thì hầu hết chúng không chính đáng. Mình làm cái này thì mình có đụng đến các phòng ban khác không? Mình có bị ghét hay không?
Với các bạn mid-manager, nỗi sợ lại càng lớn hơn. Đó là nỗi sợ sẽ không còn được cấp trên coi trọng, và bị cấp dưới xem nhẹ. Mình không làm được cái này là vì những điều này điều này, chứ không phải là do mình còn chưa biết ở một vài chỗ, hay còn chưa tốt ở một vài lĩnh vực nào đó,...
Ở phần này, mình sẽ chia sẻ với bạn rằng: Chịu trách nhiệm là biểu hiện của sự can đảm – là một phẩm chất đáng được tôn trọng. Khi bạn nhận trách nhiệm về mình, mọi người sẽ càng xem trọng bạn hơn. Việc các phòng ban khác có nói gì về bạn cũng không quan trọng, vì bạn chỉ đang muốn làm tốt việc của mình – đó sẽ là điều giúp bạn được đánh giá cao.
Nếu bạn nhận thấy mình giải thích vì sợ bị phán xét, hãy thử chuyển góc nhìn và lời giải thích của mình để làm rõ vấn đề và thay đổi cách làm nha.
Mình có cảm thấy thoải mái khi giải thích?
Có một từ là comfort zone, ý chỉ vùng thoải mái, vòng an toàn. Tại đây, mọi thứ đều dễ dàng, quen thuộc, thoải mái và không đòi hỏi bạn phải cố gắng gì cả. Đây chính là nơi nuôi dưỡng tư duy cố định.
Ở vùng thoải mái, bạn có thể cảm thấy thoải mái vì bạn biết mình sẽ làm gì, làm như thế nào, và không phải lo lắng về việc thất bại. Nhưng nó sẽ làm bạn trở nên trì trệ, thiếu động lực thử thách bản thân, khám phá những tiềm năng mới, hoặc đạt được những mục tiêu xa hơn.
Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi đưa ra lý do để biện minh, có nghĩa là bạn đã quen với tư duy cố định. Và nếu bạn cảm thấy thoải mái sau khi đưa ra lý do để biện minh, có nghĩa là bạn không học được điều gì mới. Lúc này, bạn chỉ đưa ra lời “giải thích” với hi vọng người nghe sẽ hiểu được khó khăn của mình và “tha thứ”, chứ không phải vì muốn làm rõ vấn đề và học cách làm tốt hơn.
Mình biết học hỏi điều mới là một quá trình vất vả, thậm chí còn khiến bạn nhận ra những điểm yếu, những mặt chưa tốt của bản thân mà trước giờ bạn không nhận thấy. Bởi vậy, đó là một việc rất không thoải mái. Do đó, nếu sau lời “giải thích” mà bạn vẫn không có gì khác, vẫn cảm thấy thoải mái trong vòng an toàn của mình, có nghĩa là bạn đang making excuses đó nha.
Mình thật sự không thể làm gì sao?
Đây là câu hỏi quan trọng, thể hiện bạn có nhìn ra cơ hội học hỏi ở thử thách này hay không. Như trường hợp của bạn mid-manager mình có chia sẻ ở trên, đứng trên góc độ viện cớ thì “tại bạn nhân viên”, nhưng đứng ở góc độ học hỏi, bạn cần hỏi bản thân: Mình thật sự không thể làm gì sao?
Bạn có thể chứ. Bạn có thể xem lại rằng bạn đã truyền đạt cho bạn ấy công việc cần làm, mục tiêu, đã hướng dẫn cụ thể chưa. Nếu bạn ấy thật sự lơ là, thì bạn có thể đưa ra giải pháp nào khác? Nói chuyện riêng, khuyến khích, tìm kiếm giải pháp, thậm chí là kỷ luật,... có cách nào để bạn có thể tạo động lực và thúc đẩy các bạn làm việc tốt hơn không? Hầu hết các tình huống đều có nhiều hướng đi khác nhau nếu bạn chịu mở rộng tư duy và nhìn nhận thử thách như một cơ hội học hỏi.
--
Viện cớ hay biện hộ là một hành vi bản năng. Nó giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu trong ngắn hạn, nhưng chúng sẽ khiến bạn gặp khó khăn về lâu dài, bởi ta đã bỏ lỡ tất cả cơ hội học hỏi và phát triển.
Vậy, bạn đã sẵn sàng ngừng bao biện và bắt đầu thực hiện những điều cần làm chưa?
Lần tới, hãy chú ý xem bạn có đang viện cớ trong công việc và cả trong cuộc sống hay không nha. Bạn có vô tình để lộ điều này cho các bạn trong team thấy không? Đội ngũ của bạn đang nhìn vào bạn – hãy cho họ thấy bạn là một người dám nhận trách nhiệm như thế nào.
Và tất nhiên nếu bạn có những góc nhìn khác về chủ đề này thì cho mình comment bên dưới nha!