Vài lời khuyên thu nhặt được từ GES (P2)
Nếu bạn chưa xem phần 1, thì bạn có thể xem tại đây.
Vào ngày đầu tiên tại GES, tôi nhận được 1 email của 1 bạn từ Bộ ngoại giao Mỹ thông báo ngày thứ 3 của chương trình sẽ được gặp 1 khách mới bí ẩn, và yêu cầu xác nhận tham dự. Khá là hồi hộp vì không biết người bí ẩn này là ai, nhất là khi danh sách khách mời của GES toàn những nhân vật “khủng”. Cuối cùng sau bao nhiêu hồi hộp thì cũng gặp được người bí mật: đó là chính Daymond John, là 1 trong những vị giám khảo của chương trình nổi tiếng Shark Tank – một bất ngờ rất thú vị.
Chương trình với Daymond chỉ có ngắn ngủi 30 phút với khoảng 6 câu hỏi từ những người tham gia đặt ra. Sau đây là 1 số lời khuyên khá hữu ích mình rút kết được:
– Đa phần trong giai đoạn đầu các công ty thường chết bởi over-funding (dư tiền) hơn là under-funding (thiếu tiền). Khi có quá quá nhiều tiền, các founder thường hay nghĩ đến việc mở rộng, rồi chi cho những khoản không cần thiết. Ngược lại lúc thiếu tiền, khi đó founder thường sẽ có sự tập trung hơn vào vấn đề cốt lõi nhất (giải quyết vấn đề của khách hàng), và cũng do thiếu nguồn lực nên sẽ dễ ra được nhiều cách thức marketing và bán hàng sáng tạo hơn.
– Khi trả lời cho câu hỏi phải lựa chọn nhà đầu tư như thế nào, Daymond trả lời là phải nghĩ đến OPM. OPM mọi người thường biết là Other People’s Money (tiền người khác), tuy nhiên còn 1 loạt những OPM khác mà trong quá trình tìm kiếm đầu tư bạn cũng phải quan tâm vì tiền không phải tất cả.
Khi đó OPM = Other People’s Manufacturing (tận dụng khả năng sản xuất của người khác), Other People’s Marketing (dùng kênh tiếp thị), Other People’s Manpower (dùng nguồn lực con người), Other People’s Mindpower (dùng khả năng suy nghĩ) …
Ý kiến cá nhân: ngẫm thấy khá đúng với chương trình Shark Tank, khi các “shark” (giám khảo) ra đề nghị offer thường sẽ kèm theo chào mới khác như là “tôi sẽ dùng kênh siêu thị của mình để phân phối cho bạn”, “tôi có thể giới thiệu cho bạn đến hàng trăm ngàn người dùng qua kênh truyền thông này”, … chứ ko phải chỉ là số tiền. Tiền đầu tư là để các “shark” được mua cổ phần và cùng hưởng lợi ích khi công ty thành công về sau này . Các bạn founder phải work hard cho công ty của mình rồi thì nhà đâu tư cũng phải có đóng góp tương ứng.
Tiếc là suy nghĩ này cũng chưa đủ phổ biến lắm ở VN đối với các bạn startup đang đi kêu gọi đầu tư hiện tại.- Không bao giờ để mình mắc kẹt ở phân khúc trung bình. Hoặc là bạn ở phân khúc cao cấp, hoặc là phân khúc rẻ nhất. Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu bạn cho mình đứng giữa. Khi có khách hàng có tiền, họ sẽ mua ở cao cấp. Khi thiếu tiền, họ sẽ chọn giải pháp tiết kiệm nhất.
– Về việc tìm kiếm mentor, bạn hãy tìm người có thể giúp cho founder được 3 việc sau:
Luôn giữ được sự tập trung tuyệt đối
Ngăn cản bạn khi bạn tăng trưởng (scale) quá sớm.
Ngăn cản bạn khi bạn nhận tiền đầu tư quá sớm.
– Lời khuyên về branding: dành cho công ty cũng như cá nhân, bạn phải nghĩ được từ 2-5 từ mô tả bản thân bạn/công ty của bạn. Nếu bạn không định nghĩa được, người khác sẽ tự đặt ra định nghĩa cho bạn theo ý của họ. Thời buổi hiện tai với mạng xã hội đã bùng nổ, bất kỳ ai/công ty nào cũng sẽ bị tìm ra thông tin đầy rẫy.
Do đó nếu bạn tự xác định được branding cho bản thân mình và sống/hành xử đúng như vậy, bạn sẽ tạo được thương hiệu chứ không phải để ngẫu nhiên. Điều tương tự cũng đúng với công ty của bạn.
Điểm khác nhau là những từ này sẽ không bao giờ thay đổi với công ty của bạn, nhưng với cá nhân thường sẽ có thay đổi sau 1 thời gian, thường là khoảng 7 năm.
(lúc này mình không có thời gian để hỏi kỹ hơn về ý này cũng như bản thân Daymond đã đặt cho bản thân mình như thế nào)
Một buổi panel chia sẻ khác cũng rất bổ ích là về chủ đề “Blitz Scaling” (Tăng trưởng cực nhanh) của nhóm các diễn giả: Elizabeth Gore – Entrepreneur in Residence (Dell), Jeff Wong – Global Chief Innovation Officer (Ernst &Young), Prasad Setty – Vice President of People Analytics (Google), Adeo Ressi – CEO (Founder Institute), Javier Soltero – Corporate Vice President of Outlook (Microsoft) (đây là founder của ứng dụng calendar Sunrise được Microsoft mua lại)
Ngoại trừ Adeo Ressi là khá nổi tiếng trong giới startup, những cái tên còn lại hơi xa lạ và đặc biệt đều làm trong “corporate” (các tập đoàn lớn). Tuy nhiên những lời khuyên của họ đều rất thực tế, tập trung đến việc 1 công ty phải chuẩn bị gì để tăng trưởng cực nhanh theo khái niệm Blitz Scaling của Reid Hoffman. Một số chia sẻ lụm lặt được từ buổi này:
– Các công ty khởi nghiệp nên đặt cho mình những mục tiêu lớn, vì khi đó những thứ không cần thiết sẽ được loại bỏ trong qua trình thực hiện mục tiêu đó.
– Đừng nên chạy theo những gì “lấp lánh” (shiny things) – đây là lời khuyên của Adeo Ressi, CEO của Founder Institute. Lý do là vì mình sẽ không dễ dàng phân biệt được cái nào là kim cương (diamond) và cái nào là dao găm (dagger). Nói một cách khác, cần có sự tập trung và đừng để bị phân tâm vào những thứ đang là xu hướng, hoặc những gì chỉ có vẻ bề ngoài lấp lánh nhưng nó làm bạn chệch hướng khỏi mục tiêu chính của mình.
– Trong giai đoạn đầu của công ty, mối tập trung duy nhất của công ty là nên vào khách hàng, và sau khi đã lớn mạnh rồi sẽ tập trung vào sứ mệnh của công ty.
– Đa phần các founder sẽ gặp sai lầm chỉ tập trung vào xây dựng sản phẩm mà quên mất việc tìm kiếm khách hàng (customer acquisition). Nó cũng là một hội chứng thường thấy vì khi các founder xây dựng sản phẩm sẽ luôn có cảm giác là mình đang được sáng tạo, được xây dựng những thứ có thể thay đổi thế giới. Tuy nhiên nếu sản phẩm bạn làm ra không có khách hàng thì mọi thứ cũng không có ý nghĩa gì cả.
Và 2 ý cuối là câu trích dẫn từ các speaker:
– “Experience is what we get when we don’t get what we wanted” – kinh nghiệm là cái chúng ta sẽ có được khi chúng ta không có được cái chúng ta mong muốn. Nghe thì có hơi tiêu cực, nhưng thực tế là vậy. Nhưng ở mặt khác, chỉ cần nỗ lực hành động chúng ta sẽ xây dựng và tích lũy được nhiều thứ, trong đó có kinh nghiệm
– “Company only dies when founder gives up” – đây là câu trả lời cho câu hỏi là nếu công ty không kêu gọi được vốn kịp thì sao, hết tiền thì công ty sẽ chết phải không. Tuy nhiên công ty đó chỉ chết khi bạn founder bỏ cuộc, vì thật ra nếu không có tiền đầu tư vẫn có thể sẽ có tiền bằng cách khác (một trong những cách đó là từ khách hàng – tức bán được sản phẩm).
Thậm chí nhiều trường hợp, trong lúc không có tiền như vậy, công ty lại có thể tìm ra được nhiều ý tưởng sáng tạo để tồn tại. Lúc đó công ty sẽ có nền tảng mạnh thật sự chứ không phải lớn được vì chỉ có tiền của nhà đầu tư (khá giống ý của Daymond John ở trên)