Career Path cho Entrepreneur là gì?
Dạo này nhiều trăn trở bản thân với gặp nhiều anh em đồng cảnh ngộ quá nên đang suy nghĩ nhiều về chủ đề này. Tạm gọi bản thân cũng là một kiểu entrepreneur, đâu đó cũng hơn chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ về career path cho chính mình hết. Và mình cũng tin đây không phải chỉ là trăn trở chỉ có mình gặp phải.
Tạm gọi Entrepreneur nó rộng hơn tí là những người đang đứng đứng đầu tàu lèo lái một công ty – đa phần là do bạn sáng lập ra, làm founder/co-founder này nọ. Hoặc cũng có thể bạn được kéo về để dẫn dắt một công ty có sẵn. Trường hợp mình đang nói sẽ phần nhiều dành cho những bạn founder/co-founder hơn.
Có thể bạn vẫn đang điều hành công ty của mình thành lập, hoặc vừa kết thúc vai trò đó (exit được trường hợp happy, hoặc đóng cửa trong trường hợp ko happy), có bao giờ bạn đặt câu hỏi hướng phát triển sự nghiệp sắp tới của mình là gì ko?
Có thể bạn luôn đặt tâm trí vào sự phát triển của công ty, còn với chính bạn thì sao? Bạn có dành thời gian cho chính việc “growth” của chính mình chưa?
Hiện tại mình thấy có vài khả năng như sau:
A. Trường hợp tốt nhất: công ty bạn lớn mạnh hằng ngày với sự điều hành của bạn, đồng thời bạn cũng nâng cấp bản thân mình liên tục để up level theo công ty nên cũng chẳng cần tuyển CEO về thay cũng như vô vàn thứ để học và growth. Ví dụ: Facebook, Grab, VNG, … Đây là case của founder nào cũng mong muốn với career growth của bạn gắn với sự phát triển của công ty. Và đến một thời điểm nào đó, bạn có thể chủ động chọn cho mình việc ngưng lại và tìm kiếm hướng đi mới một cách chủ động. Tuy nhiên cũng chỉ một số ít ỏi những bạn entrepreneur vô cùng tài năng mới thuộc nhóm này thui hihi, và đa phần ai cũng nghĩ mình thuộc nhóm này hơ hơ
B. Công ty của bạn bị mắc kẹt – công việc kinh doanh cũng đi vào ổn định, sự hiện diện của bạn cũng chẳng ảnh hưởng to tác lắm đến công ty, bạn cũng không học được thêm thứ gì mới, cũng như không biết làm sao đưa công ty mình tiến lên. Đây là trường hợp thật sự khá phổ biến – chủ yếu là bạn founder có dám nhìn nhận thực tế hay không thôi. Và trong đó nó có 2 trường hợp nhỏ hơn:
B1 – Công ty out-growth (phát triển nhanh hơn) bạn: khi đó sự mắc kẹt đến từ bạn nhiều hơn. Vậy thì bạn có dám kéo thêm nhà đầu tư, kéo thêm những người mới cùng điều hành để giải quyết vấn đề và đưa công ty lên tiếp? Hay bạn sẽ lẩn quẩn vài ba năm, rồi một ngày nào đó cũng phải khai tử công ty?
B2 – Bạn out-growth công ty: khi đó có thể là do biz model hoặc ngành nghề của công ty bạn, dù bạn muốn làm nhiều hơn nhưng cũng không thể đẩy nhanh được. Dẫn đến bạn bắt đầu dư thừa thời gian và lẩn quẩn với chính mình.
Khi đó bạn có thể chọn việc “khám phá” thêm những thứ mới hơn – lập thêm công ty mới hoặc đi làm tư vấn, đi đầu tư, … Khi bạn đã là entrepeneur, bạn sẽ luôn thấy nhiều cơ hội để làm. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi là những thứ “mới” đó có thật sự mới cho bạn không? Liệu bạn có thể học thêm được gì không hay chỉ là một vòng lặp cũ cho việc lập ra công ty, xây nó lên, xong rồi lại kẹt tiếp sau một thời gian (hi vọng là nhanh hơn so với công ty trước đó).
Hoặc bạn sẽ đi tìm cách để exit và sát nhập vào một công ty lớn hơn để có thể tìm thêm cơ hội để thử thách bản thân mình ở level mới hoặc một vai trò mới.
Vấn đề lớn nhất của trường hợp B này là bao lâu bạn cảm nhận mình đang có vấn đề, nhất là với những bạn mới làm startup lần đầu, bạn luôn nghĩ mình phải cố gắng hết sức, không được bao giờ bỏ cuộc giữa đường. Nhưng rồi mất thời gian 2-3 năm không phát triển được chính mình, khi đó bạn thật sự đang mất nhiều hơn được.
C. Bạn lựa chọn bị mắc kẹt: có thể công ty của bạn sẽ là một “life-style business” rất tốt, bạn kiềm được thu nhập ổn định (hoặc thậm chí tăng trưởng tốt) từ doanh nghiệp của mình.
Khi đó chẳng có gì sai để vẫn an phận với những gì bạn đang có. Có thể bạn đã đủ thu nhập lo cho chính mình, gia đình mình và công ty này cho phép bạn từ từ có thời gian để theo đuổi những sở thích và ước mơ của mình. Có thể từ “lựa chọn bị mắc kẹt” nghe hơi tiêu cực, có thể nên là bạn tìm được cách tốt nhất có được sự tự do tài chính cho bản thân mình. Và đây cũng có thể là lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của bạn.
Rồi vậy career path là gì?
Hay chính xác hơn Career Path Planning là gì? là việc bản thân bạn chủ động lên kế hoạch cho việc bản thân mình sắp tới, từ đó sẽ dẫn đến 1 loạt câu hỏi khó:
Trong vòng 5-10 năm tới mình hình dung bản thân mình sẽ ở đâu? làm gì?
(có thể sẽ vẫn là điều hành tiếp công ty hiện tại, hoặc có thể mình đang ở đâu đó khác rồi chăng?)Kỹ năng mình mạnh nhất là gì? Những kỹ năng nào mình cần phải học thêm? Học được những kỹ năng đó ở đâu?
Kinh nghiệm nào mình muốn có được? Có thể là điều hành công ty 20-50 người? hay 100 người hay 1000-2000 người?
Chuyên môn ngoài việc điều hành của mình là gì?
Về personal branding cho chính bạn, vai trò tiếp theo bạn muốn làm là gì? Nó giúp được gì cho định hướng 5-10 năm tới?
Công ty hiện tại có giúp mình phát triển tiếp không? Mình có lựa chọn bị mắc kẹt với công ty này không?
Và câu hỏi quan trọng nhất:
Ngoài việc được gọi là Entrepreneur – bạn còn muốn được ghi nhận bởi tilte nào khác không? (Financial Expert? Operation Expert? Marketing Guru? Deal Maker? Venture Builder? etc … )
Túm lại, mấy nay mình trăn trở nhiều nên thui quyết định viết ra để share cái đống câu hỏi trên cho anh chị em cùng đọc, rồi góp ý thêm cho mình cũng như share thêm có hướng nào khác mà mình chưa thấy hay không? Network mình tính ra cũng kha khá các bạn đang/đã/sẽ là entrepreneur, cho nên mình muốn nghe thêm từ các bạn.
Edit: nhờ anh em comment, tâm sự riêng, mình có thêm ý tưởng cho phần 2 chia sẻ đúng câu trả lời cho vụ Career Path ni, chứ không nó dừng ở 1 đống câu hỏi thì … không hay lắm.